Giáo dục New Zealand thuộc top đầu thế giới về phát triển bền vững

Phát triển bền vững được rất nhiều người trẻ quan tâm, bởi đây là chìa khoá giải quyết vấn đề “chung sống hoà bình” giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Theo xu hướng đó, phát triển bền vững trở thành một ngành học đầy triển vọng và được đưa vào giảng dạy tại nhiều nền giáo dục tiên tiến, trong đó có New Zealand.
Năm 2018, đất nước này đứng thứ 17 toàn cầu về chỉ số hiệu suất môi trường (EPI). Đến nay, các trường đại học ở New Zealand liên tục đạt thứ hạng cao về chỉ số phát triển bền vững, cho thấy đây là điểm đến lý tưởng của các du học sinh quan tâm đến lĩnh vực này.

ĐH Auckland đứng đầu thế giới 2 năm liên tiếp về phát triển bền vững.

 

ĐH Auckland đứng đầu thế giới về tầm ảnh hưởng toàn cầu

Mới đây, tạp chí Times Higher Education đã công bố bảng xếp hạng 766 trường đại học của 85 quốc gia, vùng lãnh thổ, trên thế giới về tầm ảnh hưởng toàn cầu (Impact Rankings 2020), đo lường dựa trên kết quả thực hiện 17 mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc. ĐH Auckland (University of Auckland) xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng này trong hai năm liên tiếp.
Giáo sư Dawn Freshwater - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết sự thuận lợi về về điều kiện địa lý ở New Zealand như đất đai màu mỡ, hệ sinh thái đa dạng và đường bờ biển dài; cộng thêm triết lý tôn thờ và bảo vệ mẹ thiên nhiên của người Maori đã giúp trường có cách tiếp cận độc đáo và khác biệt đối với vấn đề phát triển bền vững.
“Bảng xếp hạng này chứng minh sự khác biệt mà các tổ chức giáo dục có thể mang đến cho cộng đồng, như cung cấp nền giáo dục chất lượng toàn diện và công bằng, đạt được sự bình đẳng giới và bảo vệ môi trường một cách bền vững”, bà Dawn Freshwater phát biểu thêm.
Thành tích 2 năm liên tiếp đứng đầu về phát triển bền vững là kết quả từ quá trình làm việc và nghiên cứu nghiêm túc của sinh viên, giảng viên và nhân viên ĐH Auckland. Đặc biệt, vị hiệu trưởng nhắc tới đại dịch Covid-19 như một cơ hội để định hình lại nền kinh tế theo những cách bền vững, thân thiện với môi trường hơn.
“Ngày càng có nhiều lời kêu gọi các nước hãy tận dụng cuộc khủng hoảng dịch bệnh để xem xét lại mô hình kinh tế và xã hội. Họ lo ngại sự phụ thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu vốn mong manh, phụ thuộc các quốc gia duy nhất sản xuất được nhu yếu phẩm thiết yếu, hệ thống y tế bấp bênh và quá chú trọng tăng trưởng kinh tế”, bà Freshwater phân tích.


New Zealand là nền giáo dục lý tưởng cho du học sinh Việt Nam muốn học tập bài bản về phát triển bền vững.
 

Đa dạng ngành học về phát triển bền vững tại New Zealand

Ngoài ĐH Auckland, 6 trường đại học khác của New Zealand cũng nằm trong top 300 của bảng xếp hạng này, trong đó có đến 4 trường nằm trong top 100, bao gồm ĐH Otago và ĐH AUT đồng hạng 23, ĐH Victoria Wellington xếp thứ 36 và ĐH Massey xếp thứ 60.
Hiện nay, những ngành học “hot” nhất liên quan phát triển bền vững tại New Zealand có thể kể đến Tái tạo năng lượng, Hoạt động bền vững (ĐH Victoria Wellington); Kiến trúc và Môi trường (ĐH AUT); Quản lý Tài nguyên nước (ĐH Canterbury); Khoa học ứng dụng trong Quản lý môi trường (ĐH Otago); Khoa học ứng dụng trong Nuôi trồng thuỷ hải sản (ĐH Waikato)… cùng các ngành học được điều chỉnh chương trình học phù hợp với thời đại, như Nông nghiệp ứng dụng công nghệ, Nông nghiệp phát triển bền vững của ĐH AUT, Sản xuất Nông nghiệp hữu cơ của ĐH Lincoln.
Trong đó, một số ngành như Năng lượng tái tạo thuộc 5 nhóm ngành mà sinh viên Việt Nam sẽ được ưu tiên xét hồ sơ xin học bổng của Chính phủ New Zealand ở bậc sau đại học.
Nền giáo dục New Zealand dạy sinh viên cách phát triển tư duy bền vững không chỉ ở những ngành kể trên, mà còn nhiều ngành khác nhau. Thông qua cách giảng dạy của giảng viên, môi trường học tập, sinh viên ở các lĩnh vực như xã hội, nhân văn, y học... đều hiểu về khái niệm bền vững.
Không chỉ dừng lại ở giảng dạy và đào tạo, các trường đại học xứ kiwi còn có những kế hoạch bắt tay với các doanh nghiệp New Zealand tạo ra những hình mẫu về phát triển bền vững để sinh viên trực tiếp trải nghiệm và ứng dụng những gì học được vào thực tế.
Hiệu trưởng ĐH Massey - giáo sư Jan Thomas - nói về những mục tiêu tham vọng trong tương lai: “Chúng tôi đã cam kết thực hiện một loạt sáng kiến, thông qua các kế hoạch hành động vì khí hậu, như trở thành trường đại học đầu tiên của New Zealand bù đắp lượng khí thải carbon do hãng hàng không Air New Zealand thải ra”.